Tính thời đại trong văn hóa đọc
Nikolai A.Ostrovsky viết “Thép đã tôi thế đấy” bằng ký ức, kỷ niệm bi tráng nhất của chính cuộc đời mình. Nikolai A.Ostrovsky tham gia chiến đấu từ khi 15 tuổi, trải qua mưa bom bão đạn, và chính cuộc sống khắc nghiệt nơi chiến trường khiến Nikolai mất đi đôi mắt, bại liệt toàn thân khi mới 24 tuổi.
“Thép đã tôi thế đấy” khi ra mắt giống như lời hiệu triệu đầy cảm xúc, chạm đến tâm can mỗi độc giả khi cầm trên tay cuốn sách. Trong bối cảnh chiến tranh, “Thép đã tôi thế đấy” trở thành lý tưởng sống cho hàng triệu thanh niên, thôi thúc họ lên đường, sẵn sàng hy sinh cho cuộc chiến vệ quốc vĩ đại.
Cũng giống như thế, “Chiến tranh và hòa bình” - tiểu thuyết đồ sộ của Lev Tolstoy từng nằm trong danh sách những cuốn sách phải đọc của nhiều thế hệ độc giả trưởng thành trong bối cảnh chiến tranh.
Biến cố thời đại đã cuốn độc giả vào những tựa sách mang thông điệp hiệu triệu, truyền cảm hứng, giúp họ tìm thấy lý tưởng sống, tìm thấy chính bản ngã của mình giữa biến thiên, sóng gió.
“Giữa thời đại có quá nhiều biến cố lớn, dễ khiến người ta bị mất phương hướng. Lúc ấy, những cuốn sách sẽ mang tính định hướng, truyền cảm hứng, thậm chí trở thành động lực sống mãnh liệt. Độc giả muốn sống cao đẹp như những nhân vật anh hùng được viết lên trong sách. Nhưng trên tất cả, điều quan trọng nhất, đó là mỗi cuốn sách đều là kiệt tác. Tác giả viết đúng, viết trúng tâm lý độc giả giữa thời đại ấy, khi nhà văn viết ra được những điều độc giả muốn đọc, cần đọc, lúc ấy sẽ có sách triệu bản” - nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ nhận định.
Tính thời đại đã làm nên con số triệu bản cho nhiều tác phẩm, khi mỗi tác phẩm được ví như viết nên tâm sự, nỗi lòng của cả một thế hệ độc giả. Nhiều tác phẩm còn vượt thời đại, viết ra tâm sự của nhiều thế hệ độc giả ở nhiều thời đại khác nhau, với đặc trưng tinh thần và lý tưởng sống khác nhau.
“Gatsby vĩ đại” (tựa gốc The Great Gatsby) của tác giả F. Scott Fitzgerald xuất bản năm 1925 từng đạt 30 triệu bản. Tác phẩm viết về sự trống rỗng, đau buồn của một thế hệ những thanh niên mất phương hướng.
“Gatsby vĩ đại” lấy bối cảnh nước Mỹ những năm 1920 - 1922 sau thế chiến thứ nhất. Nước Mỹ giàu lên nhanh chóng, biến một thế hệ thanh niên sống trong dư thừa vật chất, sa đà ăn chơi tiệc tùng, nhưng hoàn toàn trống rỗng, suy thoái về đạo đức. Sự giả dối của cuộc sống xa hoa khiến chính tác giả đau buồn, đơn độc giữa thế hệ của mình.
“Gatsby vĩ đại” khi ra mắt không được chú ý, nhưng đã bùng nổ về mặt số lượng xuất bản vào năm 1945 đến năm 1953 khi Mỹ trải qua thế chiến thứ 2.
Đến nay, “Gatsby vĩ đại” vẫn nằm trong danh sách những cuốn tiểu thuyết vĩ đại nhất thế giới, khi nhiều thế hệ độc giả khi đọc tác phẩm đã thấy được chính tâm trạng, nỗi niềm của mình trong đó.
“Cuốn theo chiều gió” (tựa gốc Gone with the Wind) của Margaret Mitchell luôn được ví là cuốn tiểu thuyết tình yêu của mọi thời đại. Ra mắt năm 1936, “Cuốn theo chiều gió” từng đạt 30 triệu bản. Tác phẩm là câu chuyện tình yêu đầy thổn thức giữa 2 nhân vật Rhett Butler và Scarlett O'Hara. Họ cùng nhau trải qua muôn vàn sóng gió, binh biến thời chiến loạn lạc để nhận ra tình yêu dành cho nhau. Cái kết kinh điển đầy dư âm đã khiến “Cuốn theo chiều gió” trở thành cuốn tiểu thuyết được yêu mến bậc nhất của nhiều thế hệ độc giả.
Cho dù mang những đặc điểm rất riêng của thời đại, bối cảnh cuộc nội chiến ở Mỹ, nhưng “Cuốn theo chiều gió” vẫn nói lên được tất cả những cảm xúc, sự day dứt, những hoang mang trong tình yêu, sự phản bội của nhân loại.
Theo đánh giá của các nhà phê bình, những biến cố thời đại cũng tạo nên chất liệu hiện thực “ngồn ngộn” cho những tác giả tài năng công phá hết sức mình, sử dụng hết vốn liếng ngôn ngữ để tái hiện những điều họ thấy, họ trải qua ở thời mình sống.
Bìa tiểu thuyết “Cuốn theo chiều gió“. Ảnh: NXB cung cấp
Tính kiệt tác làm nên trào lưu đọc
Theo nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, có rất nhiều yếu tố làm tác động đến số phận triệu bản của một cuốn sách.
“Tôi nghĩ, ban đầu là do tên tuổi của nhà văn đó đã có trong nhiều thế hệ người đọc yêu mến họ. Tiếp đến là do bản chất cuốn sách đó phải hay, hấp dẫn dù khai thác đề tài gì. Thứ ba là truyền thông, truyền miệng. Những năm gần đây, một hình thức truyền miệng qua các trang cá nhân cũng mang lại hiệu quả lớn. Cuối cùng là số phận của cuốn sách, điều này phụ thuộc vào thời điểm nó được sinh ra, thời đại tạo nên tác phẩm, có đánh đúng và trúng tâm lý người đọc hay không” - nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ nói.
Sau hàng loạt kiệt tác văn học được tạo nên từ những tác giả lớn, với chất liệu từ thời đại sống, những năm bước sang thế kỷ 21, giới xuất bản thế giới chấn động trước phép màu của hiện tượng Harry Potter.
Tuyển tập những cuốn sách về cậu bé phù thủy Harry Potter của tác giả J. K. Rowling được đánh giá là một kỳ tích của ngành Xuất bản thế kỷ 21 với 500 triệu bản, tạo nên sức hút chưa từng có trên khắp thế giới.
Có thời điểm, mỗi cuốn sách về Harry Potter phát hành, độc giả toàn cầu phải xếp hàng nhiều giờ đồng hồ để mua bằng được.
Vượt ra khỏi khuôn khổ một cuốn sách, Harry Potter tạo nên sức hút trên nhiều ấn phẩm, thể loại khác nhau trong cuộc nhượng quyền thương mại đắt đỏ hiếm thấy. Từ văn học bước ra màn ảnh, Harry Potter trở thành biểu tượng cho văn hóa đại chúng thời đại mới.
Các tập về Harry Potter đã được dịch ra 73 thứ tiếng, trong đó phần kết “Harry Potter và bảo bối tử thần” phát hành năm 2007 lập kỷ lục khi bán ra 15 triệu bản trên toàn thế giới chỉ trong 24 giờ.
Sức hút thần kỳ của cậu bé Harry Potter đến từ tài năng của tác giả J.K Rowling khi bà vẽ ra cả một thế giới tưởng tượng, siêu thực nhưng lại được miêu tả chân thực đến từng chi tiết nhỏ.
Bước vào thế giới phù thủy hoàn toàn là sản phẩm của trí tưởng tượng nhưng loạt truyện Harry Potter lại khiến độc giả cảm nhận độ chân thực như thể họ được chứng kiến, được tham gia, và cuốn vào những cuộc phiêu lưu kỳ thú.
“Cây đũa thần” của Harry Potter như thể đã nằm trong tay mỗi người đọc, ai cũng có thế giới phép màu của riêng mình. Nhiều độc giả kể lại trên các diễn đàn, họ đọc Harry Potter đến mức "quên ăn quên ngủ". Giới khoa học cũng phải “nhảy vào” nghiên cứu, lý giải sức hút kỳ lạ của Harry Potter.
Theo New York Times, sở dĩ Harry Potter có được sức hút mạnh mẽ như vậy bởi J.K Rowling đã vẽ ra một thế giới chưa từng có ai nghĩ ra, một thế giới kỳ diệu, lạ lùng, ở đó đến mỗi địa danh tưởng tượng như trường đào tạo phù thủy Hogwarts, Hẻm Xéo, Nhà ga 9 - 3/4... cũng trở nên nổi tiếng.
Tính kiệt tác của Harry Potter khác biệt với nhiều tiểu thuyết triệu bản khác, đó là sự mới lạ, là những phép màu kỳ diệu, là những cuộc phiêu lưu bằng chổi bay chưa từng ai có thể tưởng tượng ra.